Căn cứ Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ được ban hành theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 04/4/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đề án tuyển sinh trình độ tiến sĩ được Hiệu trưởng phê duyệt ngày 16/8/2017, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thông báo tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ Đợt 2 năm 2019 gồm những nội dung sau:

1. Mục tiêu đào tạo:

Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhằm đào tạo những nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh quản lý và luật học có trình độ cao về lý thuyết và ứng dụng, có năng lực nghiên cứu độc lập, sáng tạo, phát triển và giải quyết những vấn đề mới trong khoa học kinh tế - xã hội, có khả năng giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và hoạt động chuyên môn.

2. Thời gian, hình thức và ngôn ngữ đào tạo

Thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ (kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh) là 4 năm học đối với người có bằng tốt nghiệp đại học, và 3 năm học đối với người có bằng thạc sĩ. Việc tổ chức đào tạo trình độ Tiến sĩ được thực hiện theo hình thức giáo dục chính quy, nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 12 tháng theo học tập trung liên tục tại cơ sở đào tạo trong giai đoạn 24 tháng đầu, kể từ khi có quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

Ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy, viết và bảo vệ luận án tiến sĩ bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh. Giảng viên của Trường có đủ khả năng giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu sinh bằng tiếng Anh. Trường khuyến khích nghiên cứu sinh viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh. Việc lựa chọn viết và bảo vệ luận án bằng tiếng Anh tùy thuộc năng lực cá nhân của nghiên cứu sinh.

Các yêu cầu đối với luận án tiến sĩ và điều kiện để bảo vệ luận án tuân thủ theo Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ ban hành theo Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Chỉ tiêu tuyển sinh

Chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ năm 2019 đợt 2 của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là 50 nghiên cứu sinh. Chỉ tiêu đào tạo cho mỗi chuyên ngành được Hội đồng tuyển sinh Sau đại học quyết định dựa trên số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển vào các chuyên ngành và năng lực đào tạo các chuyên ngành của Trường.

4. Chuyên ngành đào tạo:                            Mã số                          

  • Kinh tế chính trị,                           Mã số: 9310102                   
  • Kinh tế phát triển,                         Mã số: 9310105
  • Quản trị nhân lực,                        Mã số: 9340404
  • Quản lý kinh tế,                            Mã số: 9340410 
  • Tài chính - Ngân hàng ,               Mã số: 9340201

(Có các chuyên ngành: Tài chính, Tài chính công, Ngân hàng).

  • Quản trị kinh doanh,                    Mã số: 9340101                   
  • Kinh doanh thương mại,              Mã số: 9340121                  
  • Kế toán,                                       Mã số: 9340301                   
  • Thống kê,                                    Mã số: 9460201
  • Luật kinh tế,                                 Mã số: 9380107

5. Điều kiện dự tuyển

Người dự tuyển nghiên cứu sinh phải đáp ứng các điều kiện sau:

5.1 Về văn bằng:

a) Ngành đúng, ngành gần: Có văn bằng phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển: bằng thạc sĩ khối kinh tế, kinh doanh và quản lý đối với các chuyên ngành kinh tế, kinh doanh và quản lý; bằng thạc sĩ luật đối với chuyên ngành luật kinh tế. Trong trường hợp người dự tuyển có bằng thạc sĩ cùng khối kinh tế, kinh doanh và quản lý nhưng không thuộc chuyên ngành đúng với chuyên ngành dự tuyển, thì người dự tuyển cần học bổ sung một số học phần kiến thức chuyên ngành của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ sau khi trúng tuyển.

b) Ngành khác: Có văn bằng ngành khác nhưng có hướng nghiên cứu về kinh tế, kinh doanh và quản lý, luật học thì sau khi trúng tuyển phải học bổ sung toàn bộ kiến thức chuyên ngành thuộc chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành.

Chưa có bằng thạc sĩ: Trường hợp chưa có bằng thạc sĩ, thì người dự tuyển cần có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên, đồng thời phải học bổ sung chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành, hướng nghiên cứu.

5.2 Có năng lực nghiên cứu khoa học, được minh chứng đồng thời trên các mặt sau:

a) Có kinh nghiệm tích lũy về nghiên cứu khoa học, thể hiện ở việc là tác giả của 01 bài báo hoặc báo cáo liên quan đến lĩnh vực dự định nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước tính điểm công trình hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế, quốc gia trong thời hạn 03 năm (36 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

b) Có khả năng triển khai và hoàn thành nghiên cứu, thể hiện thông một đề cương nghiên cứu (2800-3000 từ), bao gồm các nội sau: Đề tài hoặc hướng nghiên cứu của người dự tuyển; lý do lựa đề tài/hướng nghiên cứu; tổng quan các bài báo, công trình khoa học đã công bố về đề tài/hướng nghiên cứu; mục tiêu, đối tượng nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu dự kiến thực hiện; những kết quả nghiên cứu bước đầu của người dự tuyển trong lĩnh vực này; kinh nghiệm về nghiên cứu, về thực tế liên quan đến đề tài (nếu có)…

c) Được tín nhiệm bởi giới khoa học, thể hiện qua thư giới thiệu của ít nhất một nhà học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực mà người dự tuyển dự định nghiên cứu.

Thư giới thiệu phải có những nhận xét, đánh giá về năng lực và phẩm chất của người dự tuyển bao gồm các nội dung sau:

  • Phẩm chất nghề nghiệp
  • Năng lực chuyên môn
  • Mức độ am hiểu về lĩnh vực dự định nghiên cứu
  • Khả năng triển khai và hoàn thành nghiên cứu
  • Chất lượng các công trình khoa học đã công bố
  • Khả năng làm việc theo nhóm
  • Điểm mạnh và điểm yếu của người dự tuyển
  • Triển vọng phát triển về chuyên môn
  • Những nhận xét khác và mức độ ủng hộ, giới thiệu người dự tuyển

5.3 Có đủ năng lực ngoại ngữ để tham khảo tài liệu, tham gia hoạt động quốc tế về chuyên môn phục vụ nghiên cứu khoa học và thực hiện đề tài luận án, thể hiện ở một trong các điều kiện sau:

5.3.1. Đối với người dự tuyển chỉ có ngoại ngữ là tiếng Anh:

a) Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp cho người học toàn thời gian ở nước ngoài mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình học tập là tiếng Anh;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học ngành Ngôn ngữ Anh do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp;

c) Có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL iBT từ 45 trở lên (do British Council hoặc IDP Australia hoặc University of Cambridge cấp) hoặc Chứng chỉ IELTS (Academic Test) từ 5.0 trở lên (do IIG, IIE hoặc các trung tâm do ETS ủy quyền cấp) trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

5.3.2. Đối với người dự tuyển có ngoại ngữ khác tiếng Anh

Người dự tuyển đáp ứng quy định tại khoản 5.3.1 mục a khi ngôn ngữ sử dụng trong thời gian học tập không phải là tiếng Anh; hoặc đáp ứng quy định tại mục b khi có bằng tốt nghiệp đại học ngành ngôn ngữ nước ngoài không phải là tiếng Anh; hoặc có các chứng chỉ tiếng nước ngoài khác tiếng Anh (xem bảng tham chiếu dưới đây) do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận cấp trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển thì phải có chứng chỉ trình độ tiếng Anh tương đương cấp độ B1 hoặc bậc 3/6 trở lên theo Khung tham khảo Châu Âu chung về ngoại ngữ (xem bảng quy đổi dưới đây) trong thời hạn 02 năm (24 tháng) tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Bảng tham chiếu các chứng chỉ tiếng nước ngoài khác tiếng Anh

STT

Chứng chỉ

Trình độ

1

CIEP/Alliance française diplomas

TCF B2

DELF B2

Diplôme de Langue

2

Goethe -Institut

Goethe- Zertifikat B2

Zertifikat Deutsch für den Beruf (ZDfB)

3

TestDaF

TDN3- TDN4

4

Chinese Hanyu Shuiping Kaoshi (HSK)

HSK level 6

5

Japanese Language Proficiency Test (JLPT)

N2

6

ТРКИ  -  Тест  по  русскому языку  как

иностранному (TORFL - Test of Russian

as a Foreign Language)

ТРКИ-2

 

Bảng quy đổi chứng chỉ tiếng Anh tương đương cấp độ B1

(áp dụng cho trường hợp người dự tuyển có chứng chỉ tiếng nước ngoài khác tiếng Anh)

Loại chứng chỉ

Điểm đạt

Tổ chức cấp

Tiếng Anh

IELTS

4.5

British Council; IDP Australia và University of Cambridge

TOEFL PBT (ITP)

TOEFL CBT

TOEFL iBT

TOEIC

450

133

45

450

Các trung tâm IIG, IIE hoặc các trung tâm do ETS (Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ) ủy quyền

Cambridge Exam

Preliminary PET

Các cơ sở của nước ngoài

BEC

Business Preliminary

BULATS

40

Chứng chỉ ngoại ngữ tương đương trình độ B1 theo Khung chung châu Âu về ngoại ngữ

Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Ngoại ngữ thuộc các đại học quốc gia và đại học vùng (Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Thái Nguyên…) được cấp sau ngày 20/5/2019

 

Lưu ý: Người dự tuyển là công dân nước ngoài được miễn quy định tại mục 5.3, tuy nhiên phải có trình độ tiếng Việt tối thiểu từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.

6. Hồ sơ dự tuyển: tải về tại đây

1. Phiếu đăng ký dự tuyển (theo mẫu).

2. Lý lịch khoa học có dán ảnh cá nhân (theo mẫu) được cơ quan quản lý hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú của người dự tuyển xác nhận, đóng dấu.

3. Thư giới thiệu của nhà khoa học.

4. Một bản sao công chứng của các loại giấy tờ sau:

- Bằng và bảng điểm tốt nghiệp đại học,

- Bằng và bảng điểm thạc sĩ,

- Chứng chỉ ngoại ngữ.

5. Đóng quyển 05 bộ, mỗi bộ gồm: đề cương nghiên cứu và các bài báo/báo cáo khoa học (trang bìa, trang mục lục, toàn nội dung bài báo/báo cáo) của người dự tuyển,

6. Văn bản đồng ý cho sử dụng bài báo/báo cáo của đồng tác giả (nếu có),

7. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe để học tập của bệnh viện đa khoa,

8. Công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lý trực tiếp (nếu là công chức, viên chức).

9. 02 phong bì (khổ A5) có dán tem và ghi địa chỉ liên lạc của người dự tuyển,

10. 02 ảnh 4x6 của người dự tuyển ghi rõ họ tên, ngày sinh, nơi sinh phía sau ảnh.

Trường hợp các văn bằng và bảng điểm do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng tiếng Việt và nộp kèm theo văn bản công nhận của Cục Quản lý chất lượng giáo dục (thông tin về đăng ký công nhận văn bằng do nước ngoài cấp xem tại https://naric.edu.vn/huong-dan-quy-trinh-cnvb-co-so-giao-duc).

7. Phương thức tuyển sinh: xét tuyển

Đánh giá người dự tuyển đào tạo tiến sĩ theo thang điểm 100, bao gồm đánh giá hồ sơ dự tuyển (40 điểm); đánh giá đề cương nghiên cứu (20 điểm) và phỏng vấn (40 điểm). Người dự tuyển được xếp loại đạt nếu phần hồ sơ đạt từ 20 điểm trở lên; phần đề cương nghiên cứu đạt từ 10 điểm trở lên và phần phỏng vấn đạt từ 20 điểm trở lên.

7.1 Đánh giá hồ sơ dự tuyển, bao gồm các nội dung:

a) Văn bằng và kết quả đào tạo: đánh giá văn bằng dựa trên uy tín của cơ sở đào tạo và kết quả học tập của người dự tuyển tại các bậc đại học và thạc sĩ.

b) Bài báo hoặc báo cáo khoa học: được đánh giá dựa trên mức độ uy tín của tạp chí hoặc hội nghị, hội thảo khoa học, sự phù hợp với hướng nghiên cứu và chuyên ngành đăng ký dự tuyển của người dự tuyển, chất lượng bài viết…

c) Trình độ ngoại ngữ.

d) Ý kiến đánh giá, nhận xét và ủng hộ người dự tuyển trong thư giới thiệu: dựa trên uy tín của người giới thiệu; nội dung giới thiệu (nhận xét sâu sắc hoặc sơ sài, thể hiện mức độ quan tâm của người giới thiệu đối với người dự tuyển).

7.2 Đánh giá đề cương nghiên cứu:

Chất lượng đề cương nghiên cứu: được đánh giá dựa trên sự thuyết phục trong cách thức người dự tuyển đặt vấn đề nghiên cứu; mức độ sâu sắc và bao quát của phần tổng quan các lý thuyết và nghiên cứu có liên quan; tính khoa học của các phần mục tiêu và câu hỏi nghiên cứu (rõ ràng), phương pháp nghiên cứu dự kiến (phù hợp), kế hoạch nghiên cứu (khả thi); sự trình bày chặt chẽ, logic và thuyết phục ở các nội dung khác...

7.3 Phỏng vấn: Người dự tuyển trình bày về chủ đề dự định nghiên cứu và kế hoạch thực hiện trước tiểu ban chuyên môn xét tuyển nghiên cứu sinh. Các thành viên tiểu ban chuyên môn sẽ đặt các câu hỏi phỏng vấn để đánh giá người dự tuyển về các mặt:

- Kiến thức: mức độ nắm vững kiến thức chuyên ngành đăng ký dự tuyển, mức độ làm chủ dự định nghiên cứu, mức độ hiểu biết về bản chất vấn đề dự định nghiên cứu, về yêu cầu của hoạt động nghiên cứu.

- Khả năng triển khai thực hiện nghiên cứu: kế hoạch học tập và triển khai nghiên cứu nếu trúng tuyển, lý giải điểm mạnh, điểm yếu và sự chuẩn bị chung của người dự tuyển.

- Tư chất cần có của một nghiên cứu sinh: bao gồm năng lực nghiên cứu khoa học (khả năng phân tích, tổng hợp, cách diễn đạt chặt chẽ, logic, sự am hiểu về các phương pháp nghiên cứu...); thái độ (động cơ, sự chín chắn, tự tin, quyết tâm theo đuổi chương trình học tập và nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ); tư duy phản biện và các phẩm chất khác (sự ham hiểu biết, tính sáng tạo, kỷ luật, tính trung thực, khả năng tổ chức sắp xếp công việc, khả năng nghiên cứu độc lập và tổ chức nhóm nghiên cứu, tính kiên định).

8. Học phí, lệ phí xét tuyển:

Lệ phí dự tuyển: 1.650.000 đồng.

Hồ sơ dự thi đầu vào: 120.000 đồng

Mức học phí đào tạo tiến sĩ đang áp dụng trong năm 2019 là 23.125.000 đồng/học kỳ.

9. Thời gian tuyển sinh:

Thời gian đăng thông báo tuyển sinh: tháng 8/2019.

Kỳ xét tuyển nghiên cứu sinh đợt 2 năm 2019 dự kiến tổ chức vào giữa tháng 11/2019.

Thời gian công bố kết quả tuyển sinh: đầu tháng 12/2019.

Thời gian khai giảng và gửi giấy báo nhập học: giữa tháng 12/2019.

Thông báo dự tuyển và kết quả xét tuyển được đăng trên website của Viện Đào tạo Sau đại học: www.sdh.ueh.edu.vn và gửi qua email của người dự tuyển.

Thời gian nộp hồ sơ: từ ngày 21/10/2019 đến ngày 25/10/2019 trong giờ hành chính tại:

Viện Đào tạo Sau đại học - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Số 59C Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP. Hồ Chí Minh

Điện thoại:  028. 38235277 (ext 18) -  38295437

BÀI VIẾT LIÊN QUAN