Câu hỏi thường gặp

Căn cứ Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT ngày 29 tháng 9 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 15/11/2017,

+ Đối với chứng chỉ trình độ B1, B2 có thời điểm cấp chứng chỉ từ ngày 15/11/2017 trở về trước; và còn trong thời hạn 02 năm từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày nộp hồ sơ bảo vệ luận văn thạc sĩ. Lưu ý: do các cơ sởđào tạo/cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận.  Các chứng chỉ B1, B2 được cấp sau ngày 15/11/2017 không được chấp nhận.

+ Đối với chứng chi ngoại ngữ quốc tế IELTS, TOEFL, TOEIC,… đạt trình độ theo quy định và còn trong thời hạn 02 năm từ ngày cấp chứng chỉ đến ngày nộp hồ sơ bảo vệ luận văn thạc sĩ. Xem thêm Bảng tham chiếu quy đổi một số chứng chỉ ngoại ngữ tương đương cấp độ 3/6 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam áp dụng trong đào tạo trình độ thạc sĩ.

+ Những học viên không có chứng chỉ phải tham gia Kỳ thi chuẩn tiếng Anh đầu ra do Trường ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức để đạt điều kiện ngoại ngữ theo quy định.

Theo  Thông tư 25/2017/TT-BGDĐT ngày 10 tháng 10 năm 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có hiệu lực từ ngày 25 tháng 11 năm 2017, do đó, các nghiên cứu sinh và học viên cao học các khóa đang theo học tại Trường sử dụng mã ngành theo quy định hiện hành. Các thông tin này được tìm thấy trong phần QUY CHẾ - QUY ĐỊNH, cụ thể

+ Liên quan đến trình độ thạc sĩ: Xem tại đây - Đối với học viên cao học, có thể đăng nhập trang online.sdh.edu.vn. xem mã ngành đào tạo của mình tại phần Thông tin cá nhân

+ Liên quan đến trình độ tiến sĩ: Xem tại đây

Yêu cầu ngoại ngữ đầu vào và ngoại ngữ đầu ra đối với người học phải cùng một ngôn ngữ, không yêu cầu cùng một loại chứng chỉ.

Vì thế bạn hoàn toàn  có thể nộp chứng chỉ TOEIC 4 kỹ năng (Nghe: 275-399; Đọc: 275-384; Nói: 120-159; Viết: 120-149) để đạt chuẩn đầu vào và chứng chỉ IELTS đạt từ 5.5 trở lên để đạt chuẩn đầu ra.

Lưu ý: Việc nộp chứng chỉ, văn bằng để đạt chuẩn ngoại ngữ đầu vào và đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra là hai việc độc lập với nhau.

Chứng chỉ ngoại ngữ phải còn hiệu lực tính đến ngày nộp.

Theo nguyên tắc thì kết quả tuyển sinh của đợt tuyển sinh nào thì chỉ dùng cho đợt tuyển sinh đó. Vì thế bạn không thể dùng kết quả trúng tuyển đợt 2 năm 2022 để nhập học khóa tuyển sinh đợt 1 năm 2023 được.

Nếu bạn có nhu cầu dự tuyển vào đợt 1 năm 2023 thì bạn cần nộp hồ sơ dự tuyển và tham gia thi tiếng Anh do trường tổ chức (trường hợp không được miễn ngoại ngữ đầu vào) và thi GMAT (trường hợp dự tuyển hướng nghiên cứu).

 

Căn cứ vào số lượng trúng tuyển, Hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định tổ chức các ngành có hướng nghiên cứu cho học viên.

Đối với các ngành có tổ chức tuyển Hướng nghiên cứu và Hướng ứng dụng: Trường hợp ứng viên trúng tuyển vào hướng nghiên cứu nhưng Trường không tổ chức được lớp do số lượng học viên không đủ để mở một lớp thì mặc định trúng tuyển hướng ứng dụng.

Các ứng viên không đủ điều kiện xét tuyển hướng nghiên cứu sẽ học hướng ứng dụng.

Chào bạn, hằng năm, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh tổ chức tuyển sinh Thạc sĩ 02 đợt: Thông thường, đợt 1 sẽ vào tháng 3-4, đợt 2 sẽ vào tháng 8-9.

Bạn vui lòng theo dõi thông báo trên website của Viện hoặc đăng ký nhận thông tin tuyển sinh tại đây: https://sdh.ueh.edu.vn/tuyen-sinh

Chào bạn, các chương trình Thạc sĩ tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh được đào tạo theo 02 hướng, gồm:

  • Hướng nghiên cứu dành cho giảng viên các trường đại học và cao đẳng, hoặc các nghiên cứu viên các viện nghiên cứu công hoặc tư. Hướng nghiên cứu cũng dành cho các chuyên viên nghiên cứu của các tổ chức công, các cơ quan hoạch định chính sách, công ty tư vấn, công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường. Những người đang làm cho các cơ quan thực tiễn, doanh nghiệp cũng có thể nên học hướng nghiên cứu nếu như họ dự định chuyển từ doanh nghiệp, cơ quan thực tiễn sang làm nghiên cứu chuyên nghiệp hoặc chuyển sang làm giảng viên các trường đại học hoặc cao đẳng trong tương lai gần. Đặc biệt khuyến cáo những ai dự kiến học lên tiến sĩ, nhất là tiến sĩ nghiên cứu (Ph.D.) thì rất cần học thạc sĩ hướng nghiên cứu.
  • Hướng ứng dụng dành cho các anh chị đang làm thực tế, chuyên viên, quản lý, điều hành trong các doanh nghiệp, các tổ chức công và tư. Các anh chị làm trong các cơ quan công, hành chính sự nghiệp, cơ quan thực thi chính sách cũng nên học theo hướng ứng dụng. Người đã xác định học theo hướng ứng dụng thì thường không học tiếp lên tiến sĩ. Nếu thay đổi ý định học tiếp lên tiến sĩ (Ph.D.) sẽ phải học bổ sung về phương pháp nghiên cứu hoặc cần tham gia thực tập nghiên cứu (cùng với chuyên gia nghiên cứu) trước khi đăng ký học tiến sĩ. Cũng có những chương trình tiến sĩ theo hướng thực hành dành cho thạc sĩ theo hướng ứng dụng, như kiểu DBA (Doctor of Business Administration).

Bạn có thể tham khảo bài viết giới thiệu về hướng đào tạo để biết thêm chi tiết tại đây: https://sdh.ueh.edu.vn/thong-tin-chung/gioi-thieu-ve-huong-dao-tao-huong-nghien-cuu-va-huong-ung-dung.html

Bạn vui lòng tham khảo chương trình đào tạo các ngành/chuyên ngành tại đây: https://sdh.ueh.edu.vn/nganh-dao-tao-thac-si

1. Thí sinh dự tuyển thạc sĩ khối ngành Kinh tế, Kinh doanh và quản lý:

Thí sinh tốt nghiệp đại học hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học các ngành khác khối ngành Kinh tế, Kinh doanh và quản lý: Học 6 môn, mỗi môn 2 tín chỉ, bao gồm: Toán cao cấp, Xác suất thống kê, Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Quản trị học, Nguyên lý Tài chính - Ngân hàng.

2. Thí sinh dự tuyển thạc sĩ khối ngành Luật:

Thí sinh tốt nghiệp đại học hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học các ngành khác khối ngành Luật: Học 6 môn, mỗi môn 2 tín chỉ, bao gồm: Luật hiến pháp và luật hành chính, Luật dân sự, Luật tố tụng dân sự, Luật hình sự và luật tố tụng hình sự, Luật kinh tế, Tư pháp quốc tế.

* Trường hợp ứng viên đã học môn nào trong chương trình bổ túc kiến thức ở bậc đại học thì sẽ được xem xét miễn môn đó.

- Hình thức học: Online

- Thời gian học: Các buổi tối Thứ 2 – Thứ 7 hoặc buổi sáng, chiều Thứ 7 + Chủ nhật

- Thời gian học trung bình trong khoảng từ 2 đến 3 tháng

- Học phí: 1.240.000đ/môn

Bạn chỉ có thể nộp hồ sơ dự tuyển vào một ngành trong một đợt tuyển sinh thôi bạn nhé.

Bạn không thể đăng ký thi trước được nhé. Vì khi nào bạn nộp hồ sơ dự tuyển thì bạn mới có tên trong danh sách tham gia dự thi.

Kết quả tuyển sinh của đợt nào thì chỉ dùng cho đợt tuyển sinh đó. Cho nên bạn nộp hồ sơ dự tuyển đợt tuyển sinh nào thì tham gia thi Tiếng Anh đầu vào và thi GMAT của đợt đó.

 

Nếu tại thời điểm nộp hồ sơ bạn chưa có bằng tốt nghiệp chính thức thì bạn có thể nộp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời thay cho bản sao bằng tốt nghiệp chính thức. Lưu ý, bạn sẽ cần phải làm giấy cam đoan bổ sung bản sao bằng tốt nghiệp có sao y của cơ quan có thẩm quyền theo như hồ sơ yêu cầu trong thời gian quy định hoặc ngay sau khi nhận được bằng tốt nghiệp chính thức.

 

Bản sao là bản ghi chép, thể hiện một cách nguyên văn, đầy đủ, chính xác nội dung của bản chính hay bản gốc hay phần cần sao và được trình bày theo thể thức quy định.

Bản sao phải được thực hiện từ bản chính hoặc bản sao y bản chính, ghi rõ ngày, tháng, năm và phải được cá nhân, cơ quan có thẩm quyền kí chứng thực xác nhận, ví dụ như bản sao bìa hộ khẩu, bản sao giấy khai sinh,...

Nguồn: https://luatminhkhue.vn/ban-sao-la-gi.asp

 

Câu hỏi dành cho đối tượng Thạc sĩ

Theo quy định, điều kiện để bảo vệ luận văn như sau:

– Học viên hoàn thành chương trình đào tạo với điểm trung bình chung từ 5.5 trở lên.

– Đạt trình độ ngoại ngữ tối thiểu phải từ bậc 3/6 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (đạt kết quả thi tiếng Anh đầu ra do Trường tổ chức hoặc nộp chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ và còn giá trị sử dụng tính đến thời điểm nộp luận văn).

Và cần có Giấy đề nghị của giảng viên hướng dẫn cho phép bảo vệ luận văn; một quyển luận văn đóng bìa mềm, gáy lò xo (in 2 mặt trên giấy A4).

Như vậy, trường hợp cụ thể của bạn chưa thể nộp luận văn tốt nghiệp.

Thời khóa biểu của các lớp cao học được bố trí học vào các buổi tối trong tuần (tối 2/4/6 hoặc tối 3/5/7) hoặc trong buổi chiều thứ 7 và sáng/chiều Chủ nhật.

Do Trường tổ chức theo học chế tín chỉ, học viên có thể chọn thời gian học theo các lớp học phần do trường tổ chức.

Đối với các ngành có số lượng học viên đông, Trường có thể tổ chức thành nhiều lớp: Tối 2/4/6; Tối 3/5/7; Chiều thứ 7 + Sáng/Chiều Chủ nhật.

Đối với các ngành có số lượng học viên ít, nếu chỉ mở được 1 lớp, khả năng Trường sẽ ấn định lớp đó học vào chiều một trong ba hình thức:Tối 2/4/6 hoặc Tối 3/5/7 hoặc Chiều thứ 7 + Sáng/Chiều Chủ nhật.

Mặt khác, một số ngành học do cân đối điều kiện cơ sở vật chất, lịch giảng chung của giảng viên, có thể bố trí thời gian vào các buổi tuối trong tuần, tối đa 03 buổi/1 tuần.

Trường sẽ không cố định ngành nào học ở cơ sở nào. Địa điểm học thông thường là các cơ sở của Trường trong nội thành (cơ sở A: 59C Nguyễn Đình Chiểu, P. Võ Thị Sáu, Q3 hoặc B: 279 Nguyễn Tri Phương, P5, Q10, hoặc E: 54 Nguyễn Văn Thủ, P. Đakao, Q1,….).

Bạn cần học và được cấp giấy chứng nhận bổ túc kiến thức 6 môn (mỗi môn 2 tín chỉ) bao gồm: Toán cao cấp, Xác suất thống kê, Kinh tế vi mô, Kinh tế vĩ mô, Nguyên lý Tài chính - Ngân hàng, Quản trị học (môn nào có trong bảng điểm đại học sẽ được xem xét miễn).

Bạn chưa có chứng chỉ BTKT thì bạn chưa đạt điều kiện về văn bằng để nộp hồ sơ dự tuyển.

 

Về nguyên tắc bạn có thể đăng ký bất kỳ các học phần trong chương trình đào tạo của mình. Bạn cần lưu ý đăng ký theo TKB gợi ý của trường, vì đăng ký theo gợi ý, bạn không lo bị trùng lịch học, không bị trùng lịch thi với lịch học; và đặc biệt là bạn sẽ tốt nghiệp theo lộ trình. Một rủi ro khác, nếu bạn “bỏ lỡ” 01 môn, đợt sau có mở lại nhưng nếu bị trùng lịch thì bạn sẽ không đăng ký được.

Các lớp có thời gian học: Tối (2,4,6) hoặc Tối (3,5,7). Thi kết thúc học phần vào buổi sáng hoặc chiều Chủ nhật - Xem hình 1  

Các lớp có thời gian học: Chiều thứ 7 và cả ngày Chủ nhật. Thi kết thúc học phần vào buổi sáng thứ Bảy - Xem hình 2 

Do đó, nếu học viên đăng ký học phần không đúng như gợi ý, có thể trùng lịch học và lịch thi, học viên phải chọn lịch thi (hoặc lịch học).

Học viên trúng tuyển từ năm 2022 trở về sau áp dụng Quy chế Tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm Quyết định số 3794/QĐ-ĐHKT-ĐTSĐH ngày 08/12/2021 của UEH. Trường hợp của bạn khóa 32.1, trúng tuyển năm 2022 được áp dụng theo quy chế này, trong Quy chế có quy định cụ thể:

Đối với các trường hợp nộp chứng chỉ miễn ngoại ngữ đầu vào là ngôn ngữ gì thì nộp chứng chỉ ngoại ngữ đầu ra (hoặc minh chứng đủ điều kiện ngoại ngữ đầu ra) phải đúng là ngôn ngữ đã nộp lúc đầu vào. 

Trường hợp cụ thể của bạn đã nộp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Trung đầu vào là HSK Bậc 3 thì ngoại ngữ đầu ra bắt buộc phải nộp chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Trung tối thiểu từ HSK Bậc 4 trở lên (hoặc minh chứng đủ điều kiện ngoại ngữ đầu ra phải là tiếng Trung).